Môn đăng hộ đối thời @


Một điều tra của Viện Gia đình và Giới tính vào năm 2006 cho thấy, nếu như trước năm 1975, hôn nhân do cha mẹ quyết định chiếm đến 14%, thì đến năm 2006 giảm xuống còn 5,2%. Hình thức con cái quyết định hôn nhân - có hỏi ý kiến bố mẹ - ngày càng tăng. Như vậy, hôn nhân không phải do bố mẹ quyết định nữa mà chủ yếu do con cái. Cũng theo thống kê này, người trẻ tuổi ngày càng ít coi trọng các tiêu chí như cùng quê, gia đình nề nếp, lý lịch trong sạch, mà cân nhắc nhiều hơn đến việc biết cách làm ăn, đạo đức tốt và có thu nhập ổn định. 

Mặc dù nam nữ được tự do yêu nhau và kết hôn nhưng không ít người trong cuộc đã nhận ra rằng hôn nhân bền vững ít ra cũng có yếu tố cấu thành của “môn đăng hộ đối”.

Nhận định về vấn đề này, tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm dư luận truyền thông đại chúng, Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, môn đăng hộ đối là tốt, không có vấn đề gì. Nó là lăng kính để chọn lựa tình yêu, bỏ qua những tình yêu sét đánh, chớp nhoáng.

Tất cả sách báo, tài liệu về tình yêu lâu nay thường quy quan điểm môn đăng hộ đối là ấu trĩ. “Nhưng xét về logic, lý tính, môn đăng hộ đối sẽ trường tồn và có cơ sở thực tế để tồn tại. Nó hứa hẹn cân bằng không chỉ ở xuất phát điểm, kinh tế, văn hóa, đẳng cấp mà còn ở tính cách, nhu cầu giao tiếp… Sự xuất thân tương thích làm họ dễ đồng điệu hơn trong việc nắm bắt được nhau”, tiến sĩ Bình nói.

Tuy nhiên, ông cũng chắc chắn, tất cả người coi môn đăng hộ đối là nguyên tắc, là công thức hóa tuyển chọn bạn đời thì rất dễ phạm sai lầm. Họ sẽ trở thành những cục đá được đặt cạnh nhau, mặc dù tất cả cuộc nghiên cứu từ trước đến nay của xã hội học đều chỉ ra rằng hôn nhân tính toán thường có tính chất bền vững hơn tình yêu bình thường.

“Khi quá mức đến độ duy lý mà không đếm xỉa gì đến cung bậc tình cảm thì sẽ dẫn đến sai lầm. Chúng ta chỉ nên tính toán như một hình thức bổ trợ, tìm kiếm bạn đời”

Thật vậy, rõ ràng một người trình độ đại học, một người trình độ lớp 5, lớp 10 thì làm sao chia sẻ được hết những gì đang xảy ra trong cuộc sống của nhau, hiểu nhau đã là chuyện khó chớ đừng nói gì đến chuyện giúp đỡ nhau. 

Tiến sĩ tâm lý Khuất Thu Hồng (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) cũng cho rằng, lấy một người thường được soi chiếu qua gia đình để biết tốt, xấu ra sao vì chuyện hôn nhân là vấn đề trọng đại. Do đó môn đăng hộ đối trong trường hợp này là điều rất dễ hiểu, bình thường và không sai trái.

“Môn đăng hộ đối có phải lực cản trong tình yêu hay không lại là chuyện khác bởi cá nhân ngày nay có nhiều quyền hơn trước đây. Nếu quyết tâm thì chẳng ai ngăn cản họ được. Tuy nhiên, lấy người cùng giai tầng thì bao giờ cũng thuận tiện hơn”, nữ tiến sĩ tâm lý cho biết.

 

Hôn nhân không thể gạt bỏ chuyện môn đăng hộ đối


Nói chung, tiến tới hôn nhân thì phải dựa trên tình yêu nhưng hôn nhân không chỉ là yêu, vẫn cần xem xét những khía cạnh khác. Hôn nhân không chỉ đơn giản là việc ngắm nhau rồi cười. Khi những rung động, xúc cảm ban đầu không còn nữa, hôn nhân sẽ dễ dàng rơi vào bế tắc nếu không thể giải quyết được những mâu thuẫn, bất đồng xảy ra vì sự khác biệt quá lớn giữa 2 vợ chồng. Nếu chênh lệch quá nhiều về trình độ học vấn, về điều kiện kinh tế, về văn hoá gia đình, thì liệu rồi chúng ta có thể tôn trọng và hoà hợp với bạn đời của mình được bao nhiêu phần trăm?

Tin cùng loại

Cập nhật mới