- Những món ăn vặt không thể bỏ qua khi đến Thái Lan
- Biến tấu các món ăn ngon từ mì gói
- Mẹo làm đẹp đơn giản từ phấn rôm
- Mẹo đơn giản khử mùi hôi cho tủ lạnh
- Mẹo dưỡng lông mi cong dài nhanh chóng
- Cách tẩy lông chân an toàn tại nhà
- Những món ăn cực ngon mà bạn không thể bỏ lỡ khi đến Vũng Tàu
- Các điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng
- Nguyên nhân vị trí mụn mọc ở các vùng trên mặt
- Bí quyết chọn màu son cho nàng da ngăm
- Giải mã cung Kim Ngưu
- Câu nói hài hước về phụ nữ khiến bạn không thể nhịn cười
- Đánh bay mụn nhanh chóng với các nguyên liệu tự nhiên tại nhà
- Phải chăng hạnh phúc là phải hy sinh?
- Những bí quyết làm đẹp truyền miệng nên ngừng tin tưởng
Có một ranh giới mỏng manh giữa nhớ và quên
Trước đây tôi vẫn nghĩ, buồn nhất là khi phải chia xa. Bây giờ tôi mới biết, lãng quên ngay khi còn ở bên nhau mới thực là đáng sợ.
Năm tôi 17 tuổi, bố tôi mất. Bố tôi đã bị bệnh từ cách đó 17 năm, tức là vào lúc tôi vừa sinh ra. Tôi đã từng sợ rằng một ngày nào đó tôi sẽ quên mất những ký ức về bố, bởi cuộc sống sau đấy, của một người tuổi 20, và rồi 30 có quá nhiều thứ xảy đến. Mà ký ức với một người bệnh thì vốn đã không có nhiều. Cho đến ngày, một người bạn hỏi tôi học nấu cơm từ khi nào, hình ảnh bố trong cơn chiến đấu với bệnh tật nhưng vẫn nỗ lực dạy tôi từng kỹ năng cơ bản trong cuộc sống lại trở về rõ nét. Từ lúc ấy, tôi biết không bao giờ phải sợ rằng mình sẽ quên ký ức về bố. Tất cả đã có ở đó, và luôn còn đó.
Học hết cấp 3, bạn bè thân thiết nhất cũng phải chia xa để mỗi đứa một đường. Rồi có bạn mới ở đại học, đồng nghiệp mới khi đi làm. Mỗi đứa một nghề, một gia đình, một mối lo lắng quan tâm riêng. Cả năm trời mới có dịp gặp nhau vào ngày cận Tết, lúc những đứa đi xa sẽ trở về. Không gặp nhau thường xuyên và hầu như chẳng còn điểm chung, tôi cứ sợ rằng chúng tôi sẽ quên nhau, sẽ xa nhau. Nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười của bạn bè, chúng tôi đều tự nhiên trở về tuổi 18, và chúng tôi cứ thế bên nhau như chưa từng có một ngày nào xa cách. Chúng tôi sẽ vẫn thế đến năm 40, 50, 60 tuổi, hay bao nhiêu đi chăng nữa. Chúng tôi yên tâm dù đi đâu, làm gì thì vẫn sẽ có một ngày được trở về với những năm tháng cũ. Bởi thế chúng tôi không sợ mình bị quên lãng, cũng không sợ mình sẽ quên mất ai.
Tôi có mối tình đầu rất đẹp. Dù rằng chúng tôi còn chưa chính thức nắm tay. Dù rằng chúng tôi xa nhau vì sao tôi cũng không nhớ nữa, sau này càng tránh không liên lạc. Thế nhưng tôi không bao giờ sợ quên lãng mối tình ấy cả. Đơn giản vì những rung cảm trong trẻo vẫn có thể về lại trong tôi bất cứ lúc nào, mỗi khi tôi nhìn thấy ai đó đó hao hao giống người cũ. Hình như, có những người gặp gỡ chẳng để làm gì, chỉ để không quên nhau trong một kiếp nhân sinh.
Anh bạn của tôi, có cô vợ bỏ đi khi anh làm ăn thất thế. Anh chưa bao giờ từng nói về sự oán hận, chỉ đôi lúc say thì sẽ nói đến nỗi buồn. Còn lại, anh sống một cuộc sống bình lặng đến mức lầm lũi. Anh không lấy thêm người nào làm vợ, cũng chẳng để mắt yêu ai, chỉ ở thế, chăm bố mẹ đã già. Tôi quen biết anh khi vợ anh bỏ đi đã nhiều năm. Tôi chưa từng được thấy một tấm ảnh của vợ anh, cũng không nghe anh nói nửa câu về người phụ nữ đó. Chỉ nghe người nhà anh kể, cô ấy rất đẹp.
Tôi cứ nghĩ anh đã quên rồi, cho đến ngày anh nằm trên giường bệnh để nói những lời cuối, và đưa cho tôi mảnh giấy nhỏ nói rằng: “Địa chỉ nhà bố mẹ vợ anh khá gần nhà em, lúc nào tiện, em ghé qua hỏi thăm cô ấy một câu, nhưng đừng nhắc đến tên anh.” Trên trán anh bao nhiêu là nếp nhăn, ở tuổi 40. Không biết bao nhiêu trong số các nếp nhăn đó là dành cho người phụ nữ mà một đời anh không nguôi nhung nhớ. Thì ra, lãng quên chẳng bao giờ có thể tính được bằng đơn vị khoảng cách, càng không định đoạt bởi thời gian.
Người chị em gái thân thiết của tôi kết hôn. Họ đã có một tình yêu đẹp suốt 5 năm trước khi cưới. Đúng kiểu của hai người nhìn là biết họ thuộc về nhau. Ai cũng mừng cho một cặp đẹp đôi. Thế mà đôi đó lại rất nhanh hết đẹp. Chỉ 2 năm sau, tức là chưa bằng 1 nửa thời gian yêu nhau, họ đã xảy ra rất nhiều xích mích. Từ chuyện tiền nong đến chuyện gia đình, từ chuyện lăng nhăng của anh chồng đến chuyện ghen tuông của cô vợ. Rồi thì họ nghe lời khuyên bảo của đôi bên gia đình, sinh một đứa con, “cho ổn định”. Nhưng thực ra lại càng không ổn. Đứa con càng làm mối quan hệ của họ đi vào bế tắc, mâu thuẫn cũ chồng chất rắc rối mới. Bỏ thì thương con quá nhỏ, ở lại thì mệt mỏi vì thật ra đã mất niềm tin dành cho nhau. 5 năm yêu thương, ngày nào cũng gặp gỡ đón đưa, chưa một lần mảy may nghĩ đến chuyện chia tay, cô ấy từng bảo: “Em tin vào chữ trọn đời trọn kiếp, anh ấy cũng thế.” Vậy mà chỉ mới ít năm trôi qua, họ đã sống trong cảnh ly thân.
Bao nhiêu kỷ niệm đã qua, bao nhiêu ngày đẹp, tháng vui của họ trong 5 năm yêu thương ấy, tôi tự hỏi, họ đã để ở đâu. Cô em tôi bảo: “Kỷ niệm vẫn ở đấy thôi, em nhớ hết chứ, chỉ là dù có nghĩ đến cũng hết cảm xúc rồi.” Anh chồng thì tôi chưa bao giờ nói chuyện thẳng thắn thế, nhưng tôi nghĩ anh cũng không khác nhiều. Cả hai đều đã lỏng tay trong cuộc hôn nhân mà trước đó họ vô cùng chắc chắn.
Thì ra, điều đáng sợ nhất không phải là chia cách. Dù ở rất xa nhau, thậm chí đã âm dương cách biệt, chỉ cần còn cảm xúc tức là sẽ không bao giờ quên nhau. Điều đáng sợ nhất cũng không phải là thời gian, bởi nếu còn yêu thương thì chỉ một kiếp người vẫn là quá ít ỏi để so sánh với nỗi nhớ. Nhưng một khi đã hết cảm xúc, hết tình yêu, hết cả niềm tin dành cho nhau, thì ngay cả không có cách chia nào về thời gian và không gian, chúng ta vẫn sẽ dần quên lãng.
Thế mới biết, lãng quên có thể đến ngay cả khi chúng ta còn ở quanh nhau.